Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 17/12/2020, 10:47 (GMT+7)
Hải đoàn 129  đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển

Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng kết hợp kinh tế, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ, người lao động Hải đoàn 129 (thuộc Quân cảng Sài Gòn) luôn đoàn kết, vượt qua khó khăn, sóng gió, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá Huỳnh Văn Đa, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải đoàn động viên cán bộ, chiến sĩ trước khi thực hiện nhiệm vụ

Ngư dân trên biển không chỉ đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế mà còn đồng hành cùng các lực lượng trên biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Tàu, thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân là những cột mốc sống, các tổ, đội đánh bắt hải sản là những làng, bản trên biển. Mỗi ngư dân là một chiến sĩ giữ biển, họ là tai mắt kịp thời cung cấp những thông tin quan trọng giúp các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn biển, đảo của Tổ quốc. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn 129 đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân, Quân cảng Sài Gòn, sát cánh, đồng hành, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, đem lại hiệu quả thiết thực, với nhiều kết quả nổi bật.

Với quan điểm, bờ có vững thì ngư dân mới yên tâm bám biển, vươn khơi, Hải đoàn triển khai chuỗi các hoạt động nhằm xây dựng “thế trận lòng dân”, xây dựng các địa phương ven biển, các xã, huyện đảo vững mạnh, tạo nền tảng cho xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc, rộng khắp trên biển. Trước hết, Hải đoàn tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên, trực tiếp là Nghị quyết của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Hải quân, Đảng ủy Quân cảng Sài Gòn, Hải đoàn đã chủ động phối hợp với các chi cục thủy sản Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh và sở, ban, ngành địa phương các tỉnh duyên hải miền Trung, Bình Dương, Hậu Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký kết Chương trình làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Đồng thời, cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình, phù hợp với đặc điểm địa bàn, nhiệm vụ, đối tượng; tổ chức tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết phải bảo vệ chủ quyền biển, đảo, từ đó xác định trách nhiệm trong quá trình thực hiện.

Nội dung tuyên truyền, giáo dục toàn diện, có chiều sâu, tập trung vào: Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Luật Biên giới quốc gia; Luật Biển Việt Nam; Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017; Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Cùng với đó là một số quy định của các nước có biển trong khu vực; các chỉ thị, nghị định về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, quản lý hoạt động của người, phương tiện trong vùng biển nước ta và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, v.v. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Hải đoàn phối hợp với Ban Tuyên giáo, cơ quan báo, đài, Chi cục Thủy sản các địa phương mở lớp tuyên truyền, phát 13.664 tờ rơi về hoạt động của âu tàu, làng chài; tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên sóng truyền hình VTV1, kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu, các đài truyền hình 07 tỉnh duyên hải Miền Trung, Bình Dương, Hậu Giang, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đối với ngư dân trên biển, Hải đoàn tập trung vào việc nâng cao nhận thức về pháp luật, hướng dẫn một số điều cần thiết dành cho người đi biển, cách liên lạc qua đài canh Hải quân Việt Nam, cách nhận biết pháo hiệu báo bão, áp thấp nhiệt đới và khu neo đậu tránh trú bão. Tại các âu tàu, làng chài, công tác tuyên truyền cho bà con được làm thường xuyên, song song với công tác dân vận, giúp ngư dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình khi đến với âu tàu, làng chài; hướng dẫn cách di chuyển tàu, thuyền khi có bão, cách neo đậu tàu, thuyền ở nơi trú bão, nuôi, trồng thủy sản ven biển; đồng thời, hỗ trợ pháp lý, giúp ngư dân nắm chắc Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; quy định về đánh bắt thủy, hải sản tại vùng biển của các nước trong khu vực và vùng biển quốc tế,... để mỗi người dân trở thành một “cột mốc sống” trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển. Bên cạnh đó, Hải đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn ngư dân nhận biết về bão, lũ; phương pháp phòng tránh bão, cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn về người và tài sản, giảm thiểu tai nạn, rủi ro khi hoạt động trên biển.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hải đoàn luôn giúp đỡ ngư dân hoạt động khai thác, sản xuất, phát triển kinh tế biển. Thường xuyên tổ chức các chuyến tàu thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân hoạt động trên biển cũng như các âu tàu, làng chài; tập trung vào hoạt động giám sát nghề cá, tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, ngăn chặn để ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi tàu và ngư dân gặp nạn trên biển. Thời gian qua, nhiều tàu cá của ngư dân gặp nạn đã được cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn cứu hộ, cứu nạn kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng và hạn chế thiệt hại về tài sản. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các tàu của Hải đoàn còn hỗ trợ ngư dân sửa chữa tàu, thuyền và thiết bị đánh bắt, bổ sung nước ngọt, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, xăng, dầu,... tạo niềm tin, chỗ dựa để họ yên tâm sản xuất. Thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân, Hải đoàn phối hợp chặt chẽ với Lữ đoàn 146 Hải quân liên hệ với các chủ tàu cá của ngư dân tiến hành thu mua hải sản cung cấp cho cán bộ và nhân dân trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa với giá cả hợp lý, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của quân và dân trên đảo.

Gần đây, ngư dân phải đối mặt với những cơn bão, siêu bão, áp thấp nhiệt đới,... ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ của Hải đoàn đã tích cực tham gia hỗ trợ phòng, chống thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và vật chất cho ngư dân. Tại các âu tàu: Sinh Tồn, Trường Sa và các làng chài: Núi Le, Tốc Tan, Hải đoàn chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch, phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro ngành Thủy sản. Hằng năm, các lực lượng của Hải đoàn tổ chức tập huấn cho hàng nghìn ngư dân về kiến thức, kỹ năng ứng phó thiên tai. Qua đó, ngư dân đã nâng cao tính chủ động và kỹ năng phòng, chống, ứng phó với sự cố thiên tai trên biển, giảm thiểu thiệt hại. Ngoài ra, Hải đoàn còn tổ chức lực lượng canh trực thu nhận thông tin, cập nhật nhanh, chính xác hướng đi, cường độ, sức gió và vùng ảnh hưởng của bão, thông qua Trung tâm Khí tượng, thủy văn quốc gia để cảnh báo cho ngư dân; dẫn dắt tàu cá của ngư dân nhanh chóng vượt ra khỏi vùng nguy hiểm; liên tục thông báo, thông tin bằng tin nhắn, bản tin cảnh báo cho ngư dân nắm chắc tình hình cụ thể để chủ động di chuyển tàu, thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm, vào nơi tránh, trú an toàn, góp phần giảm đáng kể thiệt hại do bão, áp thấp nhiệt đới gây ra cho ngư dân. Không chỉ dừng lại ở tạo chỗ dựa cho ngư dân, các âu tàu, làng chài do Hải đoàn quản lý còn là nơi cung ứng nhiên liệu; khắc phục sửa chữa những hỏng hóc, cung cấp nước ngọt và các nhu yếu phẩm khác để ngư dân có thể kéo dài chuyến đi biển, giảm chi phí, thu nhập tăng thêm. Từ năm 2016 tới nay, các âu tàu, làng chài do Hải đoàn quản lý đã tiếp nhận 1.947 lượt tàu thuyền vào tránh trú bão an toàn; tổ chức cứu hộ, cứu nạn 16 tàu, 147 ngư dân bị nạn trên biển; sửa chữa 135 lượt tàu cá của ngư dân bị hỏng máy; cấp trên 4.000 m3 nước ngọt miễn phí cho 591 lượt tàu, cung ứng 901,098 m3 dầu DO bằng giá tại bờ cho 190 lượt tàu; tặng 830 áo phao, 400 tủ thuốc y tế, 4.570 lá Cờ Tổ quốc cho ngư dân. Vừa qua, các cơn bão số 8, 9, 10, 11, 12 đổ bộ vào Biển Đông, các âu tàu, làng chài do Hải đoàn quản lý đã hỗ trợ hơn 800 lượt tàu cá với hơn 03 nghìn lượt ngư dân các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Cà Mau, Kiên Giang vào trú tránh bão an toàn.

Có thể nói, Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” giai đoạn 2017 - 2020 của Hải đoàn 129 thời gian qua đã được tiến hành một cách chủ động, tích cực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa lớn, góp phần tăng cường đoàn kết quân dân, thực sự là chỗ dựa tin cậy của bà con ngư dân sinh sống, làm ăn trên biển, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” trong lòng nhân dân. Đồng thời, thông qua đó động viên bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển và tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển, đảo của Tổ quốc.

Phát huy kết quả đạt được, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn 129 tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quân đội về công tác dân vận, nhất là Nghị quyết số 49-NQ/QUTW, ngày 26/01/2015 của Quân ủy Trung ương về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phát huy và làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với các lực lượng trong xây dựng “thế trận lòng dân”, giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; phối hợp với các lực lượng trên biển làm điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, tạo thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh trên biển, góp phần cùng Quân cảng Sài Gòn thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng gắn với phát triển kinh tế biển, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang: “Đoàn kết, khắc phục khó khăn, kiên trì bám biển, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng kết hợp kinh tế” của Hải đoàn.

Đại tá HUỲNH VĂN ĐA, Chính ủy Hải đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)